Sinh viên Hà Nội dự Diễn đàn quốc gia “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện” - Ảnh: HÀ THANH

Diễn đàn quốc gia "Chính sách đối với thanh niên xung phong (TNXP), thanh niên tình nguyện (TNTN)" do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam và Trung ương Đoàn tổ chức vào hôm 5-4.

Không thiếu chính sách cho thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện

Ông Tạ Văn Hạ - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nói cùng với Luật Thanh niên, có nhiều quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện.

Nhưng theo ông, việc thực hiện chính sách còn bất cập và hạn chế như tổ chức, hoạt động của thanh niên xung phong chưa thống nhất toàn quốc, một số địa bàn có chiều hướng thu hẹp lực lượng, chính sách chưa phù hợp...

Ông Hạ cho rằng diễn đàn giúp nhận diện rõ hơn các bất cập trong chính sách và thực hiện chính sách đối với lực lượng này. Từ đó kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương có những chính sách phù hợp với thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện trong tình hình mới.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy - chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam - nhận định các đề xuất, kiến nghị liên quan đến chính sách với thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện là nội dung quan trọng, có tính nhân văn và giá trị cộng đồng sâu sắc. "Đây còn là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quan tâm, chăm lo, phát huy hai lực lượng này với bối cảnh tình hình mới hiện nay" - anh Huy phát biểu.

Tập trung hỗ trợ việc làm

Nhiều thắc mắc của bạn trẻ liên quan đến chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện đã được giải đáp tại diễn đàn. Tập trung nhiều nhất vào hỗ trợ việc làm, thu hút thanh niên tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

Phó bí thư thường trực Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến hỏi việc hỗ trợ đào tạo nghề gắn với việc làm cho thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án. Giải đáp, ông Đỗ Năng Khánh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - nói đã có quy định về hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng cho nhóm đối tượng này.

Các bạn trẻ khu vực Tây Bắc quan tâm việc thu hút lực lượng tham gia và hỗ trợ thanh niên tình nguyện ở lại định cư, lập nghiệp tại các địa phương vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bà Lương Thị Hải Anh - phó vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) - cho biết nếu ở lại định cư, lập nghiệp ở các địa phương nói trên, thanh niên tình nguyện được hưởng chính sách đầy đủ như hỗ trợ nhà ở, vay vốn phát triển kinh tế, lập nghiệp.

Các quy định đã có và hướng dẫn cụ thể cho địa phương. Bà Hải Anh nói các bạn diện này cần kết nối với tổ chức Đoàn tại địa phương, chủ động tìm hiểu các quy định vì tài liệu, cẩm nang tuyên truyền liên quan của Đoàn khá đầy đủ.

Có thắc mắc thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ mong muốn làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng còn băn khoăn độ tuổi, chính sách hỗ trợ liên quan. Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất hay doanh nghiệp có quy định riêng, cụ thể với từng nhóm lao động. Tuy nhiên, thanh niên xung phong cần đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, nỗ lực nâng cao tay nghề, trau dồi năng lực để làm tốt hơn công việc.

Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi

Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim chia sẻ sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới quan trọng nhất là phải học, đảm bảo có việc làm qua rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống.

Dịp này, 20 thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi gồm lãnh đạo Trung ương Đoàn, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các lĩnh vực đã ra mắt.